Chính sách đối nội Đệ Nhị Cộng hòa (Việt Nam Cộng hòa)

Trong cuộc chiến, chính phủ Đệ Nhị Cộng hòa ngoài việc phải đối đầu quân sự với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam còn phải giải quyết việc định cư dân tỵ nạn phải sơ tán vì tình hình an ninh. Riêng vào năm 1972 có 758.000 dân phải bỏ nhà cửa chạy loạn.[3]

Chính phủ còn đề ra cuộc cải cách điền địa với chương trình Người cày có ruộng, được Quốc hội thông qua vào đầu năm 1970. Trong thời gian 4 năm, 750.000 hộ nông dân (khoảng 5 triệu dân) được phát hơn một triệu hecta đất.[17]

Những ngày cuối cùng

Vào đầu năm 1975 dưới áp lực quân sự và tình hình ngày càng nguy biến, Thủ tướng Trần Thiện Khiêm từ chức ngày 3 tháng 4. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đề cử Nguyễn Bá Cẩn, lúc bấy giờ là Chủ tịch Hạ viện Quốc hội, đứng ra lập Nội các mới hầu mở rộng cho các giới tham chính. Mãi đến ngày 14, Nguyễn Bá Cẩn mới đệ trình danh sách tân Nội các với danh xưng "Chính phủ Đoàn kết Quốc gia" để thay thế nhân sự.

Thành phần chính phủ 14-23 Tháng Tư 1975
Chức vụTên
Thủ tướngDân biểu Nguyễn Bá Cẩn
Phó Thủ tướng
đặc trách Tổng Thanh tra
kiêm Tổng trưởng Quốc phòng
Trung tướng Trần Văn Đôn
Phó Thủ tướng
phụ trách Cứu trợ và Định cư
kỹ sư Dương Kích Nhưỡng
Phó Thủ tướng
đặc trách Sản xuất
kiêm Tổng trưởng Canh nông và Kỹ nghệ
tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo
Quốc vụ khanh đặc trách Hòa đàmNguyễn Xuân Phong
Quốc vụ khanhgiáo sư Phạm Thái
Quốc vụ khanhluật sư Lê Trọng Quát
Tổng trưởng Ngoại giaoluật sư Vương Văn Bắc
Tổng trưởng Tư phápnghị sĩ Ngô Khắc Tịnh
Tổng trưởng Nội vụBửu Viên
Tổng trưởng Kinh tếNguyễn Văn Diệp
Tổng trưởng Kế hoạchtiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng
Tổng trưởng Thông tin và Chiêu HồiChuẩn tướng Phan Hòa Hiệp
Tổng trưởng Y tếNghị sĩ Tôn Thất Niệm
Tổng trưởng Cựu Chiến binhThẩm phán Huỳnh Đức Bửu
Tổng trưởng Lao độngdân biểu Vũ Công
Tổng trưởng Xã hộiTrần Văn Mãi
Tổng trưởng Phát triển Sắc tộcNay Luett

Ngày 21 tháng 4, do sức ép lớn từ các tướng dưới quyền như Trần Văn Đôn, Cao Văn Viên, thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn, bộ trưởng kinh tế Nguyễn Văn Hảo[18] Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã nhóm họp các nhân vật chấp chính tại Dinh Độc lập và tuyên bố từ chức và giao quyền lại cho Phó Tổng thống Trần Văn Hương theo Hiến pháp quy định. Buổi lễ được truyền thanh và truyền hình trực tiếp lúc 19 giờ 40 phút.[19] Cố gắng lúc bấy giờ là để tìm cách hòa hoãn với phe Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam vì đối phương không chấp nhận thương thuyết với chính phủ của Tổng thống Thiệu.

Ngày 23 tháng 4, Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn từ chức.